Kinh nghiệm "xương máu" của Du học sinh Úc

Du học Úc là điểm đến mơ ước của nhiều học sinh Việt Nam, nhưng để sống, học tập và làm việc tại một đất nước phát triển, nhất là Úc thì các bạn cần trang bị những kỹ năng cần thiết. Sau đây là một số chia sẻ của các bạn du học sinh về cuộc sống và học tập tại nơi đây.

Chia sẻ kinh nghiệm du học của cộng đồng du học sinh

Chia sẻ kinh nghiệm hòa nhập khi du học Úc của bạn Trương Công Lý
Trương Công Lý là sinh viên Việt Nam đang theo học khóa học Thạc sĩ Tài chính tại Úc – Chuyên ngành Quản lý vốn (học kỳ II, 2012). Đạt học bổng 10.000 AUD (tương đương hơn 200 triệu VNĐ) dành cho Sinh viên quốc tế xuất sắc khoa Kinh tế. Dưới đây là những kinh nghiệm hòa nhập đời sống khi du học ở Úc của Công Lý.

“Lần đầu tiên đặt chân đến trường UNSW, khuôn viên ngút ngàn của trường đã làm tôi choáng ngợp. Trường có rất nhiều cổng và các bạn sinh viên đôi khi cũng bối rối nếu không có biển chỉ dẫn. Với tôi đại học UNSW giống như một thành phố nhỏ, có nhiều tòa nhà hiện đại và những bãi cỏ tuyệt đẹp. Cơ sở vật chất của trường thực sự tuyệt vời!

Nhưng điều gây ấn trượng nhất với tôi ở ngôi trường này là chất lượng giảng dạy xuất sắc. Đội ngũ giảng viên có một kho kiến thức về học thuật cũng như thực tiễn sẵn sàng truyền đạt cho sinh viên. Ở đây chúng tôi học tập một cách chủ động, các cuộc thảo luận, trao đổi luôn hâm nóng bầu không khí học tập.

Bên cạnh đó, kỹ năng học nhóm giúp đỡ sinh viên sắp xếp được thời gian học tập của mình rất hiệu quả. Các bài tập nhóm thực sự là là động lực thúc đẩy học tập vì khi được giao khối lượng bài tập lớn, sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc một mình, nhưng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi kết hợp và trao đổi với các sinh viên khác.

Có thể đối với bất kỳ sinh viên, du học sinh quốc tế nào, sống xa gia đình cũng sẽ là một khó khăn lớn. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của bạn vè và các nhân viên của trường, tôi đã trải qua những khó khăn đó một cách dễ dàng. Con người ở đây rất thân thiện và tốt bụng. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy cứ chủ động hỏi và yêu cầu.

Kinh nghiệm làm thêm khi du học Úc
Thông thường chênh lệch mức học phí và sinh hoạt sẽ là những trở ngại mà bất cứ du học sinh nào cũng phải đối diện, chi phí sinh hoạt tại một số thành phố lớn của Úc rất cao thay vì trông đợi vào gia đình nhiều sinh viên tự đi làm thêm ngoài giờ theo quy định.

Phân biệt casual job và part-time job

Casual job công việc làm theo giờ, phổ biến tại nhiều cửa hàng, quán ăn…công việc đơn giản không cần đòi hỏi chuyên môn cao, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên casual job sinh viên sẽ không được hưởng các quyền lợi cơ bản của người lao động ví dụ như bảo hiểm.
Part-time job công việc có tính chất tương tự như casual job, tuy nhiên mức độ cao hơn bởi sinh viên nhận được đầy đủ quyền lợi của người lao động, hưởng lương cơ bản theo quy định…đây là công việc mà du học sinh nên chọn khi làm thêm ngoài giờ.

Vốn tiếng Anh là lợi thế:
Tất nhiên giỏi Tiếng Anh là lợi thế, không ai muốn nhận bạn vào làm mà còn đào tạo lại kĩ năng Tiếng Anh cơ bản cả? Trước khi đi du học bạn nên được trao dồi nâng cao các kĩ năng cơ bản, để phục vụ công việc yêu cầu giao tiếp và đối đáp cơ bản với khách hàng…các công việc đặc thù của giao tiếp như phục vụ quán ăn, nhà hàng…Kĩ năng Tiếng Anh càng cao cơ hội nhận công việc mức lương cao càng phổ biến, cơ hội có việc làm tương xứng với khả năng các bạn càng lớn.
Bạn có thể tham khảo các công việc làm bán thời gian như: nhân viên bồi bàn,  đầu bếp, phụ bếp, pha chế rượu… tại các khách sạn, nhà hàng…Một số địa chỉ làm thêm cho chọn lựa của sinh viên, các quán ăn nhanh Mc Donalds, cafe Starbucks, nhà hàng, quán ăn, khách sạn…
Sinh viên nên chọn làm việc tại các tiệm đồ ăn Tây mức lương trung bình từ 12 -15 AUD/h, còn nhà hàng châu Á với mức lương thấp hơn chỉ 8-10 AUD/h.

Dạy thêm Tiếng Việt:

Cộng đồng người Việt tại Úc khá đông, những gia đình tại Úc lâu năm đều muốn con em được học tiếng Việt đây là cơ hội để bạn có cơ hội dạy thêm ngoài giờ. Công việc đơn giản, dễ làm, không tốn nhiều thời gian của sinh viên, đồng thời duy trì ngôn ngữ Việt.

Làm thêm tại nông trại:
Tại Úc có rất nhiều nông trại, trồng nhiều loại hoa quả, trái cây, mùa thu hoạch cần nhân lực, bạn có thể tranh thủ cơ hội để chọn công việc ngoài giờ mức lương hợp lý nhằm trang trải thu nhập cá nhân và đóng học phí. Việc làm chủ yếu dùng sức và không yêu cầu trình độ.

Địa chỉ tuyển dụng:
Bạn ghé qua một số website tuyển dụng mà chúng tôi giới thiệu để tìm kiếm công việc làm thêm như:
mycareer.com.au
jobsjobsjobs.com.au
salary.com
jobsearch.gov.au
careerone.com.au
jobsearch.gov.au
jobserve.com.au
jobnet.com.au
careerjet.com.au
smartcasuals.com.au
outbackpackers.com.au.

Làm thêm chỉ tạm thời:
Mục đích của việc đi làm thêm chỉ để kiếm thêm thu nhập tạm thời trang trải việc học tập, quan trọng với sinh viên vẫn là việc học tập. Sau khi tốt nghiệp ra trường sinh viên tìm kiếm việc làm ổn định sẽ có mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với công việc làm thêm tạm thời. Bởi vậy các bạn nên xác định làm thêm chỉ mang tính chất tạm thời không cố định và đừng làm ảnh hưởng đến việc học.

Kinh nghiệm “chống sốc” khi du học Australia của bạn Thu Trang
Theo Nguyễn Thị Thu Trang, cựu sinh viên ĐH New South Wales, để học tập thành công ở Australia không chỉ là chăm học mà còn phải biết tự nghiên cứu và hoàn thiện khả năng quản lý và sắp xếp thời gian và công việc.

Thu Trang hiện đang đang làm việc tại công ty Ernst & Young, Sydney, Australia. Trước khi du học tại Australia, Thu Trang đã trải qua khóa Dự bị Đại học của Trường và đã có những thành công đáng kể khi bước chân vào giảng đường đại học cũng như trong công việc hiện tại.

Tâm sự của dưới đây của Trang sẽ giúp các bạn giải đáp phần lớn những thắc mắc trước khi quyết định đi du học tại nước Australia.

Trước khi sang Australia học, ở nhà tôi học tiếng Anh rất tốt, không chỉ nắm chắc phần ngữ pháp mà tôi rất tự tin vào khả năng giao tiếp của mình. Dù đã được các thầy cô và gia đình cố vấn các thủ thuật phòng chống “sốc” văn hóa, thế nhưng, ở nhà là một chuyện, sang Australia môi trường hoàn toàn khác.

Ở Australia, sinh viên là trung tâm và giảng viên đóng vai trò hướng dẫn hay đưa ra những phản hồi. Sinh viên được mong đợi đưa ra những câu hỏi về những vấn đề được giảng dạy thay vì chấp nhận chúng một cách đơn thuần.

Đại học New South Wales là một trường dạy Marketing danh tiếng nên tôi luôn học tập và làm việc với rất nhiều bạn đồng khóa năng động, tự tin với tài năng nổi trội.

Cú “sốc” đầu tiên của tôi có lẽ là cảm giác chán nản, buồn bực khi vận dụng toàn bộ những khả năng tốt nhất, nổi trội nhất của mình rồi mà vẫn chưa đủ để theo kịp bạn bè. May thay, phía trước là một năm dự bị đại học để tôi phấn đấu và tôi đã làm được.

Chương trình Dự bị Đại học (DBĐH) của ĐH New South Wales ra đời năm1988, là chương trình DBĐH lâu đời nhất nước Australia và do Hội đồng Giảng dạy của UNSW giám sát chặt chẽ.

Chương trình cung cấp cho sinh viên những kỹ năng sống, giúp họ dễ dàng thích nghi với việc học tập trong hệ thống giảng dạy của nước Australia tạo bước khởi đầu thuận lợi trong môi trường đại học ngay tại Đại học New South Wales.

Ngay sau khi nhận thức ra sự thiếu hụt của mình, tôi hiểu rằng bí quyết thành công trong học tập tại ĐH New South Wales không chỉ đơn thuần là chăm học mà đó là biết tự học một cách khoa học – điều mà tôi đã được rèn luyện trong khóa dự bị đại học.

Sinh viên sẽ phải đối mặt với những học kỳ bận rộn với rất nhiều môn học và bài luận. Để hoàn thành tốt, tôi phải tự nghiên cứu và hoàn thiện khả năng quản lý và sắp xếp thời gian và công việc của mình. Đại học New South Wales rất hiện đại và tiện nghi nhưng không phải mọi thứ luôn có sẵn cho mình.

Đặc biệt với các môn học liên quan tới xã hội, trường luôn khích lệ sinh viên phải tự mình xâm nhập thực tế và tham gia các hoạt động ngoại khóa như xem phim, đi nghe nhạc, tham gia câu lạc bộ khiêu vũ và thể thao cả trong và ngoài khuôn viên nhà trường.

Chẳng hạn, tôi tham gia câu lạc bộ khiêu vũ Salsa và bị cuốn hút hoàn toàn vào vũ điệu latin bốc lửa này. Cũng ở trong ngôi trường này, tôi được tiếp xúc và giao lưu với các bạn từ nhiều quốc gia khác nhau. Kiến thức về các nền văn hóa độc đáo, đặc sắc khác nhau của tôi nhờ vậy mà phong phú lên rất nhiều.

Kinh nghiệm làm bài luận khi du học Úc Trương Thành Phát
Viết luận lỗi lớn nhất là trích dẫn. Nếu trích dẫn sai thì thể nào cũng bị “oánh” tan tác cái lỗi đạo văn. Thế là điểm kém.

Đó là kinh nghiệm của du học sinh Trương Thành Phát, ĐH Monash – một trong 8 trường đầu bảng của Úc. Bạn theo học tại Monash qua sự tư vấn của Trung tâm StudyLink International.

Phát cho biết dù vốn ngoại ngữ không tệ, bạn vẫn bị “chết chìm” trong mớ bài tập bòng bong của ngành bạn theo học – social work. Dưới đây là những chia sẻ của Phát liên quan đến làm bài luận khi học tại Úc.

Học thạc sĩ tại Úc, tôi không phải thi gì cả. Đến hạn thì lại nộp bài luận assignment. Có tổng cộng 9 bài luận trong ngành social work của tôi, và điều đó khiến tôi có lúc muốn phát điên.

Đầu tiên là khoản tra tài liệu. Mách nhỏ là nếu bạn muốn được Distinction (tức là loại giỏi) hay High Distinction (xuất sắc) thì bạn nên chăm chỉ trong phòng thư viện. Tra cứu sách là giải pháp tối ưu cho việc làm luận văn. Nhưng cũng cần có kỹ thuật tra.

Trước khi học kỳ bắt đầu, hãy đến và mượn sách của thư viện và scan lại vì tiền sách tại Úc rất đắt. Bạn có thể tốn cả 200-300 USD hay nhiều hơn chỉ để mua sách giáo khoa và chuyện này hoàn toàn bình thường.

Để tiết kiệm tiền sách, ngoài mượn thư viện, bạn có thể đến tiệm sách của trường để thuê/mua sách giảm giá. Làm ngay từ đầu học kỳ thì bạn còn có sách, chứ đợi đến mùa phải làm luận liên tục thì có mà “trời ơi sách sao lâu quá chưa tới”.

Tôi còn nhớ khi con Blackberry chưa hỏng nặng, tôi đã mượn cả một lô sách về để chụp hình từng trang sách một để lưu lại làm bài. Đọc sách kiểu ấy thì con mắt nó thêm cho vài Diop nữa. Nhưng chịu, không tiền mà!!

Tiếp theo là viết. Viết luận lỗi lớn nhất chính là trích dẫn. Khoa social work yêu cầu phải trích dẫn theo phong cách Harvard. Và đây là điều khá phức tạp.

Lật một cuốn sách học thuật ở chương sau thì bạn có thể hình dung được trích dẫn Harvard nó như thế nào. Không thì gõ Harvard Citation ra là có ngay ví dụ. Nếu trích dẫn sai thì thể nào cũng bị oánh tan tác cái lỗi đạo văn. Thế là điểm kém.

Để vượt qua được vòng này, tôi đã phải nhờ đến sự giúp đỡ các cán bộ học tập tại thư viện. Họ giúp đỡ khá tận tình trong vụ này.

Và đây là bí quyết giúp bạn có bài luận tốt (còn chuyện được Distinction hay High Distinction là phụ thuộc vào khả năng dùng từ của bạn):

1. Mở bài: nên viết ra những vấn đề mình định bàn luận trong bài luận. Bạn xếp ý nào trước thì phải bàn luận ý đó trước. Nếu bạn xếp ý A (về tâm lý con nít khi bị bạo hành) – B (các yếu tố dẫn đến tổn thương do quan sát cha mẹ cãi vã) – C (các yếu tố gây tổn thương do bị ăn hiếp) thì khi bạn viết đến phần thân bài cũng phải theo trình tự như vậy. Đừng nhảy lung tung.


2. Thân bài: dùng từ đơn giản nhưng câu cú cho ra hồn và nhớ trích dẫn thật sự chính xác. Tôi đã từng phải kiểm tra đi kiểm tra lại một thông tin rất nhiều lần để chắc chắn nó là đúng trước khi đánh vào bài luận.

3. Kết luận: có những kiểu luận văn không cần kết luận. Nhưng tốt nhất là ghi mình nghĩ như thế nào về vấn đề này và các câu hỏi nghi vấn cần được đặt ra như thế nào?

Đó là cấu trúc cơ bản nhất của bài luận. Nghe cũng đơn giản, nhưng tôi đã từng làm xáo trộn tất cả mọi thứ lên vì thiếu kinh nghiệm.

Nếu bản thân không chắc chắn trong bài luận, hãy nhờ chuyên viên học tập của khoa. Tôi đã gặp bà Adele không dưới 10 lần chỉ để tìm ra giải pháp cho bài luận của mình.

Nhưng vẫn chưa đủ. Chuyện bạn có được điểm cao hay không còn tùy thuộc vào giáo viên nữa (tôi còn nhớ bài luận đầu tiên có đến 1/3 lớp rớt). Có giáo viên quan trọng đến trích dẫn, có giáo viên quan trọng đến khả năng Anh ngữ, có giáo viên quan trọng đến ý tưởng của bạn. Cũng hên xui lắm.

Thôi thì, chúc may mắn cho những ai đang vật vã làm luận vậy nhé. Thư viện là nhà bạn trong mùa làm luận đó!

Các bước làm bài luận tại Úc:
Bước 1: Nhận đề tài (tất nhiên rồi).
Bước 2: Ngồi nghiền ngẫm coi nó nói về cái gì. Sau đó bạn sẽ cần đến lớp để hiểu hơn về đề tài bạn được giao. Bạn sẽ phải ngồi nghe các bài giảng power point của giảng viên, sau đó hãy hỏi họ trực tiếp những vấn đề mà bạn thắc mắc. Đừng làm bài vội. Còn khá nhiều thông tin mà bạn cần phải kiểm chứng cho bài luận của mình. Có thể trao đổi với bạn cùng học về các vấn đề mà bạn cho là quan trọng cho bài luận.
Bước 3: Khoảng 2 tuần trước khi nộp thì ngồi làm bài, nhưng coi chừng bị trễ. Tôi đã từng phải cắm đầu đến 12 giờ đêm để gõ cho được 1.000 chữ bài luận. Thật mệt vô cùng. Nhưng được cái kỹ năng tìm kiếm thông tin của tôi vượt trội lên hẳn.
Qua những chia sẻ rất thật về kinh nghiệm du học úc của cộng đồng du học sinh năm 2017 trên đây, chắc hẳn bạn cũng đã thấy được nhiều mặt trước khi quyết định rời xa gia đình đến một đất nước khác để học tập là phải chấp nhật những điều gì rồi phải không? Khó khăn là thế nhưng có lẽ nếu được một lần chinh phục được giấc mơ, được học tập, tiếp xúc với một nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thì đổi lại cũng hoàn toàn xứng đáng. Hiện nay, chính phù Úc cũng đã mở rộng thêm nhiều điều khoản nhằm tạo mọi điều kiện cho sinh viên quốc tế vừa học vừa làm, thế nên đã kêu mời được rất nhiều nhân tài. Thế nên, du học Úc hiện nay không còn là khó khăn nữa và tin chắc nếu bạn đủ vững tin, đủ quyết tâm, đủ bản lĩnh và đủ vốn tiếng anh, cộng thêm nguồn tài chính đảm bảo trong suốt quá trình học thì chắn chắn cơ hội được học tại “đất nước chuột túi” này sẽ trong tầm tay đó. Chúc thành công. Đừng quên đồng hành và ủng hộ big.vn nhé!

Tags: